Giới thiệu về Nhà thờ Bến Hải
Giáo Hạt Gò Vấp 332/60 Dương Quảng Hàm, phường 5, Gò Vấp, Hồ Chí Minh 332/60 Đường số 7 Hồ Chí Minh Hồ Chí Minh VN 028 3895 5670 028 3895 5670 Nhà Thờ là: Giáo Xứ Bổn Mạng: Đức Mẹ Lên Trời Số Giáo Dân: 3,973 Giáo Dân Năm thành lập: 1940 Linh Mục Chánh Xứ: Giuse Phạm Công Trường Lịch Thánh Lễ Chúa Nhật: 05:00, 07:00, 17:00
Thông tin lịch sử Giáo xứ Bến Hải
GIÁO PHẬN SÀI GÒN
– Nhà thờ Bến Hải tọa lạc tại số 332/60 đường Dương Quảng Hàm, phường 5, Quận Gò Vấp, TP. HCM. Điện thoại 083895 5670.
– Giáo xứ Bến Hải được thành lập năm 1956. Trải qua năm tháng chiến tranh, ngôi nhà thờ cũ và mới vẫn sừng sững theo năm tháng trôi qua nơi miền đất trên bến dưới thuyền, dù rằng nay thuyền chẳng còn, nhưng nước vẫn mênh mông. Lịch sử thăng trầm của giáo xứ Bến Hải gắn liền với công lao của quý cha cố, quý cha tiền nhiệm và mọi người trên khắp miền đất nước từ 55 năm qua.
– Năm 1956, cha cố Giuse Maria Nguyễn Kế Phú đưa một số giáo dân thuộc giáo phận Hải Phòng về miền đất lúc ấy được gọi là “Vũng Bèo”, có các bến như Bến cát, bến tắm ngựa, bến Tàu…xây dựng ngôi thánh đường nhỏ bé và nhận Đức Mẹ Mân Côi làm bổn mạng. Đó là tiền thân giáo xứ Bến Hải ngày nay.
– Sau chiến tranh, Bến Hải nay đã dần dần đô thị hóa, bỏ lại sau lưng những hoang vu và vắng lặng sau lũy tre làng. Năm 1982, cha Gioan Baotixita Nguyễn An Hòa xây dựng và nâng cấp lại ngôi thánh đường: vì kèo sắt, tường gạch tô đá rửa, cửa sắt, mười bốn chặng đường Thánh giá…
– Năm 1992-1994: Cha Vinh Sơn Trần Văn Hòa nới rộng nhà thờ hai bên cánh gian cung thánh, trùng tu gian cung thánh, mua thêm đất và sửa nhà xứ… Trong thời gian này giáo xứ đã nhận Đức Mẹ Hồn xác lên Trời là bổn mạng.
– Năm 2001 – 2005: Cha Giuse Maria Phạm Hồng Thái nới rộng nhà thờ sang hai bên cánh nam nữ, mua thêm đất (1500m²) chuẩn bị xây nhà thờ mới, làm nhà thờ tạm…
– Cha xứ đương nhiệm Giuse Phạm Công Trường tiếp tục công trình xây dựng nhà thờ mới trong hoàn cảnh khó khăn suy thoái kinh tế toàn cầu hiện nay và hôm nay là ngày hội lớn của giáo xứ Bến Hải: Cung hiến nhà thờ Bến Hải ngày 30 tháng 12 năm 2010.
– Hiện nay tổng số giáo dân gần bốn ngàn người, và vào khoảng 2000 di dân xa quê đi làm ăn vẫn cùng sinh hoạt phụng vụ tại giáo xứ. Địa bàn của giáo xứ Bến Hải trải dài trên 3km², được chia thành bốn giáo họ mang tên: Thánh An-tôn, Thánh Giuse lao động, Thánh Louis, Đức Mẹ Mân côi.
– Giáo xứ hiện có 5 vị trong Ban Thường vụ, và 24 vị trong ban điều hành các giáo họ. Bên cạnh đó còn có các ban ngành đoàn thể như sau: Hội các Bà mẹ Công giáo, Huynh đoàn Đaminh, Hội Gia Đình Phạt Tạ Thánh Tâm, Hội Legio Mariæ, Hội Cầu Nguyện, Nhóm Lòng Thương Xót Chúa, Nhóm Phục vụ và năm Ca đoàn – Ca đoàn Giáo xứ, Đa minh, Hồng Ân, Thiên Cung, Phaolô, chưa kể đến các ca đoàn của Hội Bà Mẹ Công giáo, Thiếu Nhi…; ban Lễ sinh, Giới Trẻ giáo xứ và Ban kẻ liệt (chăm sóc bệnh nhân).
– Đặc biệt đội ngũ giáo lý viên khá hùng hậu gồm có 80 anh chị phụ trách, dạy giáo lý cho 900 em thiếu nhi từ lớp Khai Tâm đến Bao Đồng vào ngày Chúa nhật.
KIẾN TRÚC NHÀ THỜ BẾN HẢI
Nhà thờ Bến Hải được xây dựng theo mô hình kiến trúc Gothic cách điệu với đường nét và hoa văn đơn giản của kiến trúc sư Phạm Kim Quyền thiết kế với quy mô hai tầng và một tầng lửng, mái đúc lợp ngói với hai tháp lớn và bốn tháp nhỏ.
Nhà thờ có sáu tháp – hai tháp chính cao 34m, bốn tháp nhỏ tạo cho Nhà thờ một dáng đứng bề thế, uy nghi và cổ kính; chiều dài nhà thờ 49,3m, bề ngang rộng nhất là 35,2m và nhỏ nhất là 21,6m; chiều cao tới mái là 23,7m. Tổng diện tích sàn là 3100m².
– Bước đến Thánh đường là khoảng sân rộng trước mặt tiền, hai thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô đặt ở hai cánh đầu bậc thang dẫn lên cửa chính đưa bàn tay nâng đỡ và che chở con dân Bến Hải. Nhìn sang cánh phải là núi đá kính Đức Mẹ (cao 3m). Xin đặt vào đôi tay từ mẫu của Mẹ ngôi nhà thờ sắp được cung hiến để tôn vinh Thiên Chúa và kính Đức Maria Hồn xác lên Trời là Mẹ Thiên Chúa, chính là Bổn mạng Giáo xứ.
– Bước lên hai mươi chín bậc thang là tầng một sử dụng chính trong Phụng vụ Thiên Chúa là ngôi đền thờ mà mọi người hằng mơ ước. Hết cầu thang lên tới mặt tiền gồm ba lối vào nhà thờ là ba cửa biểu trưng cho Thiên Chúa Ba ngôi. Mặt bằng nhà thờ là một Thánh Giá biểu tượng cuộc Thương khó mà Chúa Giêsu là đỉnh điểm. Giữa Cung Thánh có diện tích là 170m² với Tượng Chịu nạn (6,2 x3m) với chất liệu là gỗ quý Pơ mu. Ngài chịu khổ hình vì tội lỗi của nhân loại. Hai bên là Đức Maria và Thánh Giuse (cao 3m) đang ngắm nhìn đoàn con thương yêu đến với Chúa Giêsu. Sức chứa trong tầng này là 1200 người và tầng lửng là 400 người. Mé sát vòm mái trần trên hai bên cánh nam nữ là những bức tranh kính màu của Mười hai môn đệ Chúa yêu luôn dõi theo đoàn dân Chúa. Bên dưới là những bức họa quý bằng gỗ Pơ mu diễn tả mười bốn chặng đường Thánh Giá Chúa Giêsu chịu khổ nạn từ lúc ra tòa Philatô cho đến Phục sinh mỗi người chiêm ngắm để cùng vác Thập Giá theo Chúa.
– Tầng trệt là hội trường đa năng kết hợp với Nhà Chầu Thánh Thể, nhà chờ Phục sinh và công trình phụ trợ khác.
Nhìn lại khoảng thời gian hơn bốn năm kể từ ngày Đức Hồng y Gioan Baotixita về đặt viên đá khởi công vào ngày 6 tháng 5 năm 2006 cho đến ngày Cung hiến Nhà thờ là ngày 30 tháng 12 năm 2010, với bao nhiêu là tâm tình, với bao nhiêu là ước vọng. Công sức mà quý cha cố, quý cha tiền nhiệm và cha sở hiện nay cả là một mơ ước. Hôm nay, ngôi nhà thờ mới đã hiện ra trong uy nghi, hoành tráng và cũng rất cổ kính. Một ngôi thánh đường mới, một ngôi nhà chung đã và vẫn mãi là nơi quy tụ các tín hữu tham dự phụng vụ và đón nhận các ơn thiêng của Chúa ban. Trong ngôi nhà thờ mới này lại có nhiều ngôi nhà thờ nhỏ là chính tâm hồn mỗi ngưòi chúng ta cũng đang cần đổi mới, tu sửa và thanh tẩy, nhất là trong mùa mừng Chúa Giáng sinh này. Một ngôi nhà thờ mới, một không khí sống đạo mới còn phải nhờ đến công sức, tấm lòng và nhất là lời cầu nguyện trong hơn bốn năm qua của rất nhiều Kitô hữu ở khắp nơi trong và ngoài Việt Nam. Ngôi nhà thờ có đẹp đến mấy cũng chỉ là hình thức bên ngoài, cái quan trọng nhất là chính tâm hồn bên trong của mỗi người chúng ta đối với Chúa. Mong rằng sau ngày này mỗi người chúng ta sẽ tôn tạo, hoàn thiện lại bản thân con người mình hơn để xứng đáng được cung hiến cho Thiên Chúa.