Giới thiệu về Làng gốm Chu Đậu
Làng Chu Đậu (tiếng Hán là bến thuyền đỗ) cạnh sông Thái Bình chảy qua huyện Nam Sách, Hải Dương nổi tiếng với nghề làm gốm có lịch sử hàng trăm năm trước.
Gốm Chu Đậu xuất hiện từ cuối thế kỷ 14 và rất phồn thịnh ở thế kỷ 15 và 16, chuyên sản xuất các loại gốm men cao cấp với đỉnh cao mà nó đạt đến là “trong như ngọc, mỏng như giấy, trắng như ngà và kêu như chuông”. Các sản phấm gốm của Chu Đậu gồm: bát, đĩa, ấm, chén, bình, âu, liễn, chậu, bình vôi, lư hương … với hình dáng được chắt lọc kế thừa sự thanh thoát của thời Lý, chắc khoẻ của thời Trần. Các loại men nổi tiếng một thời của Chu Đậu được biết đến là men trắng trong, hoa lam, men ngọc, xanh lục, xanh rêu, vàng nhạt, vàng đậm, men tam thái (được vẽ bằng ba màu men là xanh lục, đỏ và vàng).
Một trong những điểm nổi bật của gốm Chu Đậu là các đường nét hoa văn. Hoa văn cổ của Chu Đậu phần nhiều là sen, cúc, dưới nhiều dạng khác nhau và hàng chục loại hoa văn cách điệu khác. Người thợ gốm xưa đã thổi hồn dân tộc vào những nét hoa văn phong phú, phản ánh sinh động thiên nhiên vào cuộc sống dân dã: hình người đội nón, áo dài, mục đồng chăn trâu, chim đậu trên cành hoa đào, đàn chim ngói, chim cu bay trên cánh đồng... Phương pháp chế tạo và kỹ thuật của Chu Đậu đã đạt trình độ cao: chuốt, tạo dáng trên bàn xoay, ngắt sản phẩm thành nhiều đoạn rồi lắp ghép lại, gia công bằng cách đắp nối, vẽ, khắc, vạch, nặn, đúc.