- Cáp treo Tây Thiên dài bao nhiêu mét? Thông tin mới nhất 2021 Điểm đến
- Thông tin bản Cát Cát cách thị trấn Sapa bao xa Điểm đến
- Cẩm nang khi đi du lịch Sapa cuối tuần Điểm đến
- 5 khách sạn, nhà nghỉ tốt nhất ở Tam Đảo Vĩnh Phúc Điểm đến
- Kinh nghiệm đi du lịch Nha Trang tiết kiệm vào cuối tuần Điểm đến
- Tháng 5 nên đi du lịch ở đâu đẹp? Điểm đến
Du lịch Havana – Thành phố của thời gian
Với lối kiến trúc độc đáo, các tòa nhà được xây dựng theo phong cách quá khứ xen lẫn với hiện tại giúp thủ đô Havana của Cuba được mệnh danh là thành phố thời gian của thế giới.
Khi đặt chân tới bờ Đông Cuba năm 1492, nhà thám hiểm Christopher Columbus đã thốt lên rằng “Đây là nơi đẹp nhất mà mắt con người đã từng nhìn thấy được!”. Vì thế, tôi ấp ủ ý định đi Cuba từ lâu và biết chắc rằng đấy sẽ là một chuyến đi đặc biệt.
Thời gian gần đây, khi đọc thấy du lịch Cuba đã chiếm phần lớn trên tổng doanh thu quốc gia và lượng khách tới thăm hòn đảo này đã lên tới hàng triệu người mỗi năm, tôi quyết tâm phải khám phá Cuba trước khi cấm vận kết thúc, trước khi McDonald’s và Starbucks tràn vào mỗi góc phố…
Máy bay của hãng KLM tuyến Amsterdam-Havana chật ních không còn một ghế trống. Dân du lịch Hà Lan mười người như một, mặc đồ thể thao, đồ đạc gọn nhẹ, mang cả em bé chưa đầy một tuổi lẫn các ông bà già chống gậy, đẩy xe lăn. Cứ như thể du lịch là nghĩa vụ đối với người dân xứ sở hoa tu-lip vậy.
Các cô chiêu đãi viên cao to, mặt mũi để mộc không son không phấn, tóc buộc tự do luôn miệng cười nói vui vẻ, thoải mái với từng hành khách, không nghỉ tay đến một phút trên suốt chặng đường bay 10 tiếng đồng hồ.
Khi hạ cánh xuống sân bay Jose Marti, trong một khoảnh khắc tôi cứ ngỡ như đang ở sân bay Nội Bài thời cách đây 20 năm: vắng vẻ, đơn sơ, cũ kỹ. Cùng một lúc, hơn chục cửa kiểm soát làm việc khá nghiêm túc.
Theo như tôi được biết, về mặt lý thuyết, dân du lịch Mỹ vẫn không được phép đến Cuba. Nhưng trên thực tế, hàng trăm ngàn người Mỹ vẫn mua vé đi Cuba từ Canada, Mexico và hải quan Cuba cũng chỉ “ý tứ” đóng dấu vào tờ visa của họ chứ không vào hộ chiếu. Và cũng chưa mấy người Mỹ nào đi du lịch Cuba về bị phạt tiền như ghi rõ trong hiệp định cấm vận.
Ra khỏi cửa sân bay, chúng tôi “đâm sầm” vào cái nóng ẩm cuối tháng Tư. Bãi đỗ xe ngột ngạt mùi xăng dầu của những chiếc xe buýt tương đối mới nhập từ Trung Quốc và hàng loạt xe Mỹ cổ tuổi đời trên 50.
Ban đầu, tôi thấy ngỡ ngàng vì sao những chiếc xe “bảo tàng” như vậy vẫn còn chạy được trên đường phố. Những xe sản xuất trước năm 1954 thường có dạng tròn trịa. Còn những xe sau năm 1955 thì dài ngoằng, nhọn hoắt như tên lửa.
Người Cuba có điều kiện kinh tế thì đánh bóng xe như mới vừa rời xưởng ra. Người ít tiền thì xe lồi lõm, thủng lỗ chỗ, sơn chằng chịt như sơn cửa gỗ.
Dân chúng chỉ có quyền mua bán đổi chác các xe cũ có ở Cuba từ trước năm 1959. Xe nhập mới phải có giấy phép của Chính phủ với giá rất cao, dân không thể với tới được. Nhưng cũng chính vì thế mà những chiếc xe Mỹ “cổ lỗ sĩ” độc nhất vô nhị trên thế giới này lại trở thành biểu tượng độc đáo của Havana.
Cảm tưởng chung về Havana thật khó nói vì lắm thứ lẫn lộn. Hàng loạt khách sạn, casino ở những vị trí lộng lẫy trên bờ biển xanh ngắt vắng vẻ, tuyệt nhiên không thấy một con tàu.
Do nhu cầu của du lịch, nhiều khách sạn nay được sửa sang lại, có nhạc và quầy bar tấp nập khách ra vào. Ngồi trong sân vườn của Hotel Nationale buổi chiều tối, nhìn ra bờ biển gió mơn man, với điếu xì gà thơm phức và cốc Mojito mát lạnh trên tay, tôi ngỡ như mình đang trong một giấc mơ.
Ban ngày, quang cảnh có rõ nét hơn. Những tòa nhà “vô chủ” của tư sản Cuba thời trước nằm ngay trên con đường chạy dọc bờ biển cũng bị sụt lở, bởi thuộc về sở hữu của nhà nước thì không thể trùng tu.
Cô hướng dẫn viên thầm thì: “Chỉ có nhà nào có người ở nước ngoài gửi tiền về mới bí mật mua lại được nhà cổ, sửa lại bên trong, mặt ngoài vẫn để đổ nát cho đỡ bị dòm ngó, rồi cho khách du lịch thuê”.
Ngoài các khách sạn thuộc sở hữu nhà nước, cho thuê phòng là dịch vụ làm ăn tư nhân duy nhất mà Cuba đồng ý với điều kiện phải đóng thuế (các hiệu café, cửa hàng quần áo, rạp chiếu phim tư nhân cũng bị đóng cửa mấy năm trước). Chúng tôi trọ lại trong một ngôi nhà như vậy.
Nhà xây theo trường phái Tây Ban Nha trần cao vút, sàn gạch đá hoa cổ, thoáng mát với đầy đủ trang thiết bị đồ gỗ cổ trạm trổ cầu kỳ từ đầu thế kỷ trước như đồng hồ đứng, bàn gương, bàn ăn, tủ trang trí, ghế bập bênh…
Cụ bà hàng xóm đứng nhìn chúng tôi từ trên ban công, dang rộng hai cánh tay như kiểu chào đón và cười móm mém. Bất chợt có một anh đeo các xâu tỏi khô đi qua, bà ra hiệu muốn mua, thả chiếc dây xuống và anh ta buộc tỏi vào để bà ta kéo lên.
Suýt nữa do mải chụp ảnh mà tôi đâm sầm vào chiếc xe ba gác chất đầy hoa quả. Thấy tôi thích thú cầm nải chuối lá mật giơ lên ngắm nghía, anh ta cười tươi cho tôi chụp ảnh, phô hàm răng trắng toát.
Bên kia đường túm năm tụm ba một tốp các ông già vác bàn ra ngoài vỉa hè dưới bóng cây chơi domino cười nói râm ran. Chao ôi sao mà yên bình thanh thản như phố nhà tôi ở Hà Nội thời bao cấp!
Phần lớn những nơi tham quan của Havana nằm trong khu phố cổ được người Tây Ban Nha xây dựng từ thế kỷ thứ 16. Những ngôi nhà này làm tôi liên tưởng tới các lâu đài trong chuyện cổ tích Nghìn Lẻ Một Đêm.
Từ năm 1982 tổ chức UNESCO đã chính thức công nhận khu này vào danh sách bảo tồn văn hóa thế giới. Đọc sách Hemingway xong đi Cuba ngay mới cảm nhận được đúng như không gian của nhà văn viết và thích thú vô cùng.
Khách sạn Ambos Mundos, nơi Hemingway đã từng sống nhiều năm và viết toàn bộ cuốn tiểu thuyết “Chuông nguyện hồn ai”, là một khách sạn rất gần bến cảng thời xưa.
Căn phòng nổi tiếng 511 bé nhỏ với những đồ đạc đơn sơ và tủ sách bày đầy các tác phẩm của ông được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới. Được biết hàng ngày, Hemingway lên đó ăn sáng và có hôm ở lại viết lách cả ngày đến tận đêm.
Đi bộ dọc theo những khu phố cổ của Havana, tôi cũng hình dung được tại sao thời trước khách du lịch Mỹ lại mê nơi này đến như vậy.
Havana cổ mang đầy không gian kiến trúc của châu Âu cổ như nhà thờ Cathedral xây dựng từ thế kỷ 18 đã từng chứa hài cốt của Columbus, hay nhà của tổng thống thời trước xây theo trường phái ba-rốc Palacio de los Capitanes Generales.
Những quảng trường bán đầy đồ tranh ảnh, sách báo cũ về Fidel Castro, Che Guavara, đồ lưu niệm huy hiệu, mũ giải phóng quân.
Những dãy phố đi bộ, khu mua bán của Havana thoạt nhìn thấy tấp nập chẳng kém gì ở Mỹ hay châu Âu, nhưng ngoài những của hàng đồ ăn uống ra, các mặt hàng rất buồn cười: tivi cũ bán kèm với thảm, bột giặt, trang thiết bị xe đạp, dép lê…
Chúng tôi tạt vào một cửa hàng mậu dịch to, đông người xếp hàng. Hôm nay đúng ngày bán trứng gà theo tem phiếu, mỗi người bê về cả khay. Ngoài ra còn có bánh quy gai, bột mì và bột gia vị nữa. Ai cũng hớn hở, kể cả người mua và người bán.
Tôi nhớ lại thời bao cấp ở Việt Nam, ai cũng gầy vì thiếu ăn. Ngược lại với hình dung của tôi, con trai con gái Cuba mạnh khỏe, nở nang, ăn mặc tương đối tươm tất.
Người Cuba ăn rất nhiều gạo, đậu, khoai lang, khoai sọ, sắn và hoa quả đầy rẫy khắp nơi. Bấy giờ đang mùa đu đủ, một quả phải nặng đến 1,5-2 kg, vỏ vàng, trong đỏ chót, ngọt đậm và thơm. Ổi đào rất to và dứa la liệt các xe đi bán dọc phố.
Trưa có thể ăn ở các quán du lịch với thực đơn chẳng có gì đặc biệt như sandwich với giăm bông, pho mát hay thịt gà rán, cá rán… Nhưng buổi tối, chúng tôi được dẫn đến những quán nấu “tại gia” với tôm hùm mua chợ đen to bằng cánh tay, tươi, dai thịt và ngọt khủng khiếp.
Buổi tối chia tay Havana, chúng tôi đi xem show diễn ở Tropicana, một sản phẩm được Mỹ đưa vào từ năm 1939 mà Cuba không thể từ chối được vì quá đẹp, quá hoàng tráng, quá ăn sâu vào máu của người Cuba. Và cái chính là thu được quá nhiều tiền bởi giá vé khá đắt mà sân khấu ngoài trời hàng ngàn người luôn chật kín khán giả.
Rất nhiều ý kiến cho rằng nếu đã xem Tropicana rồi sẽ thấy Moulin Rouge thật “yếu đuối”. Tôi không dám đánh giá, nhưng Tropicana mang đậm phong cách Mỹ như thể đang đi ở Las Vegas vậy.
Đã từ lâu, trong ngôn ngữ Cuba hình thành từ “mulat” chỉ các chàng trai cô gái lai giữa hai dòng máu da trắng và da đen. Qua nhiều thế hệ, họ có nước da hơi ngăm đen bánh mật, nhiều cô còn có mắt xanh với những đường nét cực kỳ thanh tú, cộng thêm đôi chân dài thẳng tắp.
Không thể kiếm đâu ra những diễn viên nhảy chuẩn hơn họ được nữa. Chương trình Tropicana phần lớn mô phỏng dựa trên nền văn hóa Cuba từ thời các bộ tộc da đỏ với các điệu nhảy của thổ dân.
Các bước nhảy quyến rũ, mạnh mẽ nên nền nhạc luôn tiết tấu nhanh, dồn dập đến ngạt thở và các bộ xiêm áo lộng lẫy gấp cả trăm lần lông công. Tôi chắc không mấy ai ân hận vì trong đời đã một lần từng xem Tropicana.
Sân bay Havana vẫn nắng nóng và chật chội. Khi máy bay cất cánh, ngoái lại nhìn thành phố Havana từ trên cao, tôi tin chắc rằng Cuba chỉ có thể đẹp mãi.
Đầu năm nay khi nhìn bức ảnh chụp Tổng thống Obama trong Nhà Trắng ngay sau quyết định hủy bỏ cấm vận với Cuba, tôi cảm thấy xúc động và vui mừng thật sự. Mong cho cái đẹp luôn trường tồn dù ở bất kỳ nơi nào trên thế giới.
Theo Doanhnhansaigon
Xem thêm các bài viết:
Bộ ảnh đầu tiên chụp Cuba từ trên cao
‘Đánh dấu’ 10 điểm đến tuyệt vời cho một chuyến du lịch Cuba
Những điều cần biết khi du lịch Cuba
10 đặc sản làm quà khi du lịch Đài Loan
Bên cạnh những món ăn vặt hấp dẫn, xứ đảo còn có không ít sản phẩm được bọc sang trọng, tinh tế để du khách mua về làm quà.
Làng cổ 200 năm gần Hà Nội
Vượt qua con đường nắng, hai bên là những cánh đồng lúa xanh bát ngát để tới làng Nôm, du khách như bước vào một không gian yên bình, cổ xưa của vài trăm năm về trước.
Du lịch Bình Định đến Thác Đổ tránh nắng mùa hè
Còn giữ nét hoang sơ với những thác nước hùng vĩ, Thác Đổ là điểm đến lý tưởng cho những ai yêu thích du lịch bụi, muốn khám phá vẻ đẹp của núi rừng, sông suối.
Những địa điểm khiến du khách dựng tóc gáy
Bên cạnh những điểm ăn chơi vui nhộn, nhiều du khách còn thích thú với các trò mạo hiểm, sẵn sàng chịu tra tấn, cực hình để có được trải nghiệm giống nhân vật chính trong bộ phim kinh dị.
Du lịch Trung Quốc khám phá Phố Tây Dương Sóc rực rỡ sắc màu
Được coi là trung tâm du lịch của thị trấn Dương Sóc (Quế Lâm, Quảng Tây, Trung Quốc), mỗi năm con phố dài 517m tiếp đón hàng triệu lượt khách du lịch.