Giới thiệu về Đèo Ô Quý Hồ
Đèo Ô Quý Hồ, đèo Ô Quy Hồ hay đèo Hoàng Liên Sơn là đèo trên quốc lộ 4D ở vùng giáp ranh hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu, Việt Nam. Đèo cắt ngang dãy Hoàng Liên Sơn, với đỉnh đèo cũng ở gần ranh giới giữa hai tỉnh. Tên chính thức của đèo ở đường phân thủy là "đèo Trạm Tôn". Đèo còn có tên địa phương còn là Cổng Trời.
1. Đèo Ô Quy Hồ ở đâu?
Đèo Ô Quy Hồ (Lai Châu) cách Sa Pa (Lào Cai) khoảng 17 km. Đèo nằm trên tuyến quốc lộ 4D cắt ngang dãy Hoàng Liên Sơn. Đèo Ô Quy Hồ nối liền hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu với đỉnh đèo cũng chính là ranh giới giữa hai tỉnh.
Đèo Ô Quy Hồ hay còn gọi là đèo Ô Quý Hồ hay Đèo Hoàng Liên Sơn là một trong số những cung đường đèo dài, hiểm trở và hùng vĩ vào bậc nhất ở miền núi phía Bắc Việt Nam. Để giải thích về cái tên Ô Quy Hồ này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu một truyền thuyết được lưu truyền ở địa phương đã từ rất lâu rồi. Tương truyền ở vùng núi này, trước hay hiện diện một loài chim có tiếng kêu da diết, gắn với huyền thoại về câu chuyện tình yêu không thành của một đôi trai gái. Đèo chính là nơi gặp gỡ của một nàng tiên trời và chàng tiều phu tên Ô Quy Hồ. Truyền thuyết kể rằng do không lấy được nhau và vì nhớ người yêu, nàng Tiên hóa thành loài chim lông vàng bay quanh đỉnh núi kêu 3 tiếng Ô Quy Hồ da diết khôn nguôi. Chính vì thế, con đèo này có tên là đèo Ô Quy Hồ.
Ngoài ra, đèo Ô Quy Hồ còn được biết tới với cái tên vô cùng thơ mộng là đèo Mây, do đèo nằm ở độ cao gần 2.000 m so với mực nước biển, quanh năm bốn bề mây bao phủ. Chính vì vậy mà ở trên, Cuồng mới nói đèo Ô Quy Hồ là địa điểm săn mây cực kỳ nổi tiếng và được lòng giới trẻ. Vào những buổi chiều, khi bạn hoàn thành hành trình chinh phục đèo Ô Quy Hồ và trên đường trở lại Thị trấn Sapa, bạn sẽ thấy mây trắng kéo đến phủ đầy thung lũng Mường Hoa.
Đèo Ô Quy Hồ cùng với Đèo Mã Pì Lèng, Đèo Pha Đin và Đèo Khau Phạ là tứ đại đèo vùng Tây Bắc. Ngoài danh hiệu trên, đèo Ô Quy Hồ còn được biết tới như con đèo dài nhất và cao nhất Việt Nam, với độ cao gần 2.000 m. Tổ chức kỷ lục Việt Nam năm 2013 đã trao cho đèo Ô Quy Hồ danh hiệu đèo dài nhất Việt Nam, với chiều dài gần 50 km.
2. Hướng dẫn đường đi tới đèo Ô Quy Hồ
Thường thì Cuồng thấy nhiều bạn đi du lịch Sapa hay tranh thủ đi đèo Ô Quy Hồ nên Cuồng sẽ giới thiệu cho các bạn đường đi đèo Ô Quy Hồ từ thị trấn Sapa nha.
Từ trung tâm thị trấn Sa Pa, bạn sẽ phải di chuyển một quãng đường dài tầm 12 km qua Thác Bạc, đi qua cổng vườn quốc gia Hoàng Liên Sơn tiếp đó là lên đến điểm kiểm lâm trạm Tôn, và chỉ cần đi thêm vài km nữa là đến đỉnh đèo Ô Quy Hồ. Nếu lấy điểm xuất phát là tại Thị trấn Sapa và điểm dừng chân là đỉnh đèo, thì khoảng cách ước chừng 15km. Nghe đoạn đường xa là thế, nhưng nếu bạn đi ô tô từ Sa Pa thì chỉ mất khoảng 15 phút thôi. Nếu bạn đi bằng taxi thì chi phí quãng đường này khoảng 200k.
Hành trình lý tưởng đó là bạn xuất phát từ Thị trấn (bến xe), chạy xe xuôi theo đường Điện Biên Phủ, qua thác Bạc 12km, tiếp tục đi thẳng là tới đỉnh của đèo. Trên đường đi, bạn sẽ đi qua rất nhiều địa điểm du lịch đẹp của Sapa như thác Bạc, thác Tình yêu… Nếu có thời gian, hãy dừng chân nghỉ lấy sức trước khi tiếp tục chinh phục đường đèo và tranh thủ chụp vài pô ảnh sống ảo bên những ngọn thác tung bọt trắng xóa, mát lạnh đến tê người này ở Sapa bạn nhé. Ngoài ra, trên đường di chuyển từ thị trấn Sapa lên cổng trời, bạn sẽ đi ngang qua 1 số địa điểm sống ảo, lên hình đẹp lung linh như Vườn hoa H’mong, Homestay Cối Xay…Đừng quên ghé thăm và khám phá những địa điểm checkin thú vị đó nhé.
Cách thứ hai để tới đỉnh đèo Ô Quy Hồ là từ thành phố Lào Cai: Từ Lào Cai bạn có thể bắt xe bus, xe khách, hoặc thuê xe máy lên thị trấn Sapa, sau đó di chuyển tương tự với cung đường ở trên. Đoạn đường thành phố Lào Cai – thị trấn Sapa chỉ khoảng 30km, nhưng đều là đường đèo với nhiều khúc cua nguy hiểm. Vì thế nếu bạn nào có ý định phượt đoạn này bằng xe máy phải hết sức cẩn thận và tay lái phải thật cứng nha! Mấy bạn nữ có gấu thì phải để người yêu đèo nha, vì đường đèo có nhiều khúc cua, nhiều đoạn dốc, nên con gái thường bị run tay.
3. Đi tới đèo Ô Quy Hồ bằng phương tiện gì?
Hiện nay, có rất nhiều cách để bạn có thể chinh phục một trong tứ đại đèo của miền Tây Bắc như thuê xe khách, đi xe bus, taxi. Tuy nhiên, với những bạn phượt thủ thì chắc chắn phải chinh phục đèo Ô Quy Hồ bằng xe máy rồi phải không nào? Mặc dù vậy, với một bên là vực sâu hun hút và phía còn lại là vách núi dựng đứng, đèo Ô Quy Hồ vẫn là một thử thách đối với các tay lái, với các biển cảnh báo nguy hiểm được dựng khắp hai bên đường.
Tuy nhiên bạn cũng đừng lo liệu như vậy thì đi đèo Ô Quy Hồ có nguy hiểm không vì hiện nay tuyến đường này đã được nâng cấp, giúp hạn chế tai nạn và trở thành cung đường “nhất định phải chinh phục một lần” của các phượt thủ. Nhất là vào những ngày mưa hoặc sương giá, tầm nhìn phía trước chỉ còn vài mét. Xe chỉ dám “bò” từ từ, bám sát vách núi để qua đèo. Hay như mạo hiểm vượt đèo trong đêm, dễ làm người ta “sở gai ốc” bởi cảm giác hoang lạnh giữa bóng tối pha sương, kèm những tiếng gió rít qua khe núi. Chưa kể, khi mùa đông đến, nhiều khu vực quanh đỉnh đèo Ô Quy Hồ có thể phủ dày băng tuyết, rất trơn trượt và khó đi lại...
Tuy nhiên, cái gì càng khó chinh phục thì càng đáng quý phải không nào, vượt qua hết những chặng đường nguy hiểm lên tới đỉnh đèo để rồi vỡ òa ra trước phong cảnh thiên nhiên ngoạn mục trước mắt, bạn sẽ cảm thấy những công sức mình đã bỏ ra thật không uổng phí chút nào, những khó khăn bạn đã trải qua thật đáng giá. Hãy coi đèo Ô Quy Hồ như một thử thách càn vượt qua để khám phá những khả năng còn tiềm tàng trong con người mình bạn nhé!
Cung đường đèo Ô Quy Hồ rất hiểm trở, đặc biệt là đoạn đường từ trạm Tôn đi xuống đèo gồm nhiều đoạn men vực thẳm nên rất khó đi. Vì thế, theo Cuồng bạn nên bắt đầu cuộc hành trình của mình vào khoảng gần trưa, để có thể nhìn thấy đường rõ hơn, dễ dàng cho việc di chuyển hơn. Hành trình khám phá gian nan là thế, nhưng chắc chắn bạn sẽ không hề cảm thấy hối tiếc khi đặt chân tới đây.
Ngoài ra, hiện nay đã có thêm một cách an toàn và tiện lợi hơn giúp bạn có thể nhanh chóng chinh phục đỉnh đèo Ô Quy Hồ, đó là đi cáp treo. Bạn có thể dễ dàng đặt mua vé cáp treo tại nhà ga (mua vé thăm quan đỉnh Fansipan). Từ đỉnh Fansipan bạn di chuyển sang khu Thác Bạc, rồi lên Trạm Tôn sau đó di chuyển khoảng 4-5 km dọc theo QL 4D là tới đỉnh đèo Ô Quy Hồ.
4. Nên đi phượt đèo Ô Quy Hồ vào mùa nào trong năm?
Câu trả lời là bạn muốn đến săn mây trên đỉnh đèo Ô Quy Hồ vào mùa nào trong năm cũng đều được cả. Vào mùa đông thì có băng tuyết, đèo Ô Quy Hồ mang một vẻ đẹp cô liêu, đất trời bảng lảng trong tuyết trắng. Mùa hạ đèo Ô Quy Hồ thường có mây bao phủ bồng bềnh, tạo nên sự hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước, là chốn săn mây lý tưởng với các bạn trẻ mê sống ảo. Hay như đi du lịch Sapa vào mùa thu và lượn qua đèo Ô Quy Hồ, bạn sẽ thấy những thửa ruộng bậc thang xanh mướt nay đã ngả sang màu vàng của lúa chín, ngắm nhìn cả thung lũng khoác lên màu vàng rực như một biển vàng vậy. Mùa xuân đến, khắp núi rừng xanh biếc bao la lại điểm xuyết thêm sắc hồng rực rỡ của hoa đào, sắc trắng tinh khôi của hoa mai, hoa mận, hoa lê. Quả là, đi đèo Ô Quy Hồ vào mùa nào cũng đẹp phải không nào, mùa nào bạn cũng sẽ có những bức ảnh checkin đẹp thần sầu cả.
Cùng là một con đèo, nhưng thời tiết trên đèo Ô Quy Hồ mặt ở bên Lào Cai và mặt ở bên Lai Châu lại rất khác nhau. Bên phía Lào Cai thì mù sương, bên phía Lai Châu thì nắng ấm, nên bạn muốn chụp ảnh đèo trong sương hay dưới ánh nắng chói chang rực rỡ đều được cả.