Giới thiệu về Đại Chủng viện Thánh Phanxicô Xaviê (Vinh Thanh)
Giáo phận Vinh Đại Chủng viện Vinh Thanh, Nghi Diên, Nghi Lộc, Nghệ An Unnamed Road Nghệ An VN 0238 3861 266 0238 3861 266 http://daichungvienvinhthanh.com/ Nhà Thờ là: Chủng Viện Bổn Mạng: Phanxicô Xaviê
LƯỢC SỬ ĐẠI CHỦNG VIỆN VINH – THANH
Đúng như tên gọi của mình, Đại chủng viện Vinh – Thanh là nơi đào tạo linh mục cho hai giáo phận Vinh và Thanh Hóa. Nếu về mặt tên gọi, Đại chủng viện Vinh Thanh mới ra đời và hoạt động được 23 năm, nhưng quá trình hình thành và phát triển, để có thể đến với tên gọi và cơ cấu như hiện nay, Đại chủng viện này đã trải qua quá trình dài với nhiều thăng trầm. Sau đây là sơ lược một số nét lịch sử tiêu biểu:
VIỆC ĐÀO TẠO LINH MỤC VIỆT NAM BUỔI ĐẦU
Giáo hội Việt nam trong những ngày đầu chưa có Đại chủng viện nào. Trong khi nhu cầu truyền giáo thì quá lớn, lực lượng các thừa sai lại quá mỏng, các ngài đã có sáng kiến lập ra tổ chức Thầy Giảng, là những người đạo đức và có trình độ, để giúp các ngài trong một số công việc như dạy kinh bổn, đưa Mình Thánh Chúa…
Hơn nữa, các ngài cũng nhận thấy rằng, đời sống đạo của một miền chỉ có thể vững vàng và có sức phát triển mạnh khi nó được chính hàng giáo sĩ bản xứ điều hành, vì hơn ai hết, họ am tường tập quán văn hóa địa phương. Nên từ hình thức tổ chức Thầy giảng, các ngài phát triển lên thành tổ chức Nhà Đức Chúa Trời (Domus Dei). Từ môi trường này, các thừa sai sẽ tuyển lựa những người có triển vọng, gởi sang học tập và tu dưỡng tại Chủng viện Miền, để tiến đến chức linh mục. (Chủng viện miền được mở tại Juthia, kinh đô cũ của vương quốc Xiêm (Thái Lan) vào năm 1665, chung cho cả Việt Nam, Campuchia và Trung Quốc. Trong số 3 linh mục Việt Nam đầu tiên được phong chức năm 1668 tại Juthia, có linh mục Bênêdictô Hiền là người ở giáo xứ Yên Đại, giáo phận Vinh ngày nay).
Như vậy, có thể nói, tổ chức Thầy giảng và Nhà Đức Chúa Trời là những hình thức chủng viện sơ khai tại Việt Nam. Với thời gian và do sự lớn mạnh của Giáo Hội Việt Nam, việc cần có các cơ sở đào tạo tại chỗ, nghĩa là các cơ sở chủng viện được tổ chức một cách quy cũ ngày càng trở nên bức thiết. Đó là lí do lần lượt các chủng viện được xây dựng, bắt đầu từ các Tiểu chủng viện hay còn gọi là Trường La Tinh. Tiểu chủng viện đầu tiên của giáo phận Đàng Ngoài, cũng là của Việt nam được mở tại Vĩnh Trị vào năm 1691, do Đức Cha De Bourges coi sóc. Đến thời Đức Cha Raydelet, lịch sử mới nói rõ rằng ngài lập ở Vĩnh Trị 2 chủng viện. Đại chủng viện đầu tiên của Việt nam chính thức được khai sinh. Những linh mục thế hệ đầu tiên của Nghệ – Tĩnh – Bình được đào tạo tại Đại chủng viện này.
THÀNH LẬP CHỦNG VIỆN TRÊN VÙNG NGHỆ – TĨNH – BÌNH
Thời kỳ thuộc giáo phận Tây Đàng Ngoài
Ngày 24 tháng 7 năm 1679, Tòa Thánh chia giáo phận Đàng ngoài thành hai giáo phận Đông và Tây Đàng ngoài. Nghệ – Tĩnh – Bình thuộc giáo phận Tây Đàng ngoài, do Đức cha Jacques de Bourges làm Giám quản Tông tòa.
Việc phân chia giáo phận cho thấy mức độ lớn mạnh và trưởng thành của Giáo Hội Việt Nam nói chung và khu vực Nghệ – Tĩnh – Bình nói riêng. Nhu cầu phải tăng số các linh mục vì thế cũng đặt ra ngày càng bức thiết hơn trước sự tăng số các tín hữu. Đức cha Jacques de Bourges thấy rõ vấn đề này nên trong chuyến kinh lí vào Nghệ An, ngài đã cho lập tại vùng này một Tiểu chủng viện. Lịch sử Hội truyền giáo Pari ghi lại: “Đức cha De Bourges đã lập tại tỉnh Nghệ An quãng 1691 – 1692, một Tiểu chủng viện, cho nên số người xin làm linh mục ngày càng đông”. Theo một số nhà nghiên cứu thì đây là chủng viện thứ 2 ở Bắc Hà. Rất có thể đó cũng là Trường ông thánh Giuse đặt tại Trang Nứa, vì trong “Truyện 6 ông Phúc lộc” có viết:“Trang Nứa là nơi khi trước nhà trường La tinh Nghệ an gọi là Trường ông thánh Giuse”. Trường này hoạt động trong một thời gian dài, vì cũng trong tập sách đó có kể: “Đức cha Guérard từ Bắc Hà vào thăm Nghệ An ngày 19.12.1790, đến nơi ngày 1.1.1791, thì ngày 1.3.1791, ngài tới thăm trường Trang Nứa, cấm phòng với 2 thừa sai và học tiếng Việt luôn tại đó với vài chủng sinh”.
Do những hoàn cảnh lịch sử, cơ sở của các trường chưa ổn định, phải di chuyển nhiều nơi, khi ở Bùi Ngọa, khi ở Kẻ Gốm. Truyện Sáu Ông Phúc Lộc mô tả : “Khi ấy cả địa phận Tây Đàng ngoài đang phải bắt đạo nhặt lại, học trò cũng còn tản mác, trừ mấy kẻ hội lại được trong tỉnh Nghệ An, cùng mấy chú học tiếng La tinh với những thầy An nam. Cố Nghiêm dạy sách đoán cho 7, 8 thầy già tại làng Kẻ Gốm. Cố Nhượng (Simonin) dạy chừng 12 học sinh tại làng bên kia sông”. Kỷ yếu của Thánh bộ Truyền bá Đức tin năm 1840 có viết: “Cả giáo phận ở làng Vĩnh Trị, có Chủng viện, có Nhà chung và Tòa Giám mục. Một nơi thứ 2 là làng Bùi Ngoại, tỉnh Nghệ An”.
Ngoài Tiểu chủng viện Trang Nứa như vừa nói, giáo phận Tây Đàng ngoài còn có Tiểu chủng viện Hướng Phương (Quảng Bình). Trường này được thành lập vào năm 1830 và năm 1844, đã được nhắc đến trong phúc trình về Roma của các thừa sai. “Truyện 6 ông Phúc lộc” viết: “Trong Bình Chính có nhà tràng La tinh tại họ Hướng Phương, gọi là Trường ông thánh Giacôbê. Đức cha Đoan (Guérard) làm Đức cha phó sau Đức cha Hậu (De Lamotte) lập khi đang làm cố…”
Từ ngày thành lập Giáo phận Vinh
Như vậy, tính đến nửa đầu thế kỷ 19, trên địa bàn Nghệ – Tĩnh – Bình đã có hai chủng viện. Điều đó chứng tỏ đời sống đức tin tại khu vực này đã tương đối vững chắc. Đó cũng là cơ sở để Tòa thánh quyết định tách khu vực này ra khỏi giáo phận Tây Đàng ngoài, để thiết lập giáo phận mới. Ngày 27 tháng 3 năm 1846, giáo phận Vinh chính thức được thành lập.
Trong rất nhiều công việc liên quan đến sinh hoạt đức tin của một giáo phận mới, tổ chức Chủng viện đã được các bề trên đặc biệt lưu ý. Bản phúc trình ngày 01 tháng 5 năm 1848 của Đức cha Hậu cho biết: “Tôi đã tìm hiểu kĩ sắc lệnh của Thánh bộ ngày 23.11.1845 về việc phải thành lập gấp một hàng giáo sĩ bản xứ…Suy nghĩ kĩ, tôi càng xác tín rằng để suy trì và phát triển sự đạo thì không gì có ích cho bằng thành lập một hàng giáo sĩ bản xứ vững. Vì thế, nhờ ơn Chúa giúp, tôi đã luôn tận lực thi hành huấn dụ của Thánh bộ và sẽ thành lập cách phù hợp và xứng đáng một hàng giáo sĩ bản xứ được điều hành theo ý Thánh bộ. Tôi cũng thấy rằng, có ít sinh viên có thể hoàn tất khả quan việc học vấn ở đây khả dĩ đọc và hiểu latinh đầy đủ. Vì thế, tôi đã cố gắng gởi một số thiếu niên qua Pênăng. Còn hiện tại, tôi đang thành lập một Chủng viện mới hầu có thể tuyển được 150 học sinh…”.
Trong bản phúc trình ngày 2.2.1849 cho biết: “Ngoài ra còn có 70 thiếu niên được phân phối trong hai trường, để ngày đêm học hoài La ngữ”. Với bản phúc trình này, ta chưa thể xác định được đó là hai trường nào và ở đâu, nhưng căn cứ vào bản phúc trình trả lời 79 câu hỏi, có viết: “Hiện có hai chủng viện thâu nhận 85 thiếu niên cho học La ngữ và những gì cần cho chức vụ thầy giảng. Ngoài ra còn 20 chủng sinh được gởi qua Chủng viện Pênăng”. Như vậy lúc này giáo phận vẫn chưa có Đại chủng viện và cũng khó có khả năng, hai Chủng viện vừa nói đều nằm trong khuôn viên Tòa Giám mục như một số tài liệu kết luận. Việc Trường Tiểu chủng viện được chuyển về Xã Đoài và mang tên gọi Tiểu chủng viện Xã Đoài vào năm nào vẫn là một câu hỏi bỏ ngỏ.
Tháng 11 năm 1887, Đức cha Trị khởi công xây dựng Tiểu chủng viện tại một địa điểm cách Tòa Giám mục 2 km và một năm sau đã nhận 140 chủng sinh vào học, được chia thành 6 lớp. Lúc này, do điều kiện kinh tế eo hẹp, nên nhà nguyện của Tiểu chủng viện mới chỉ là một nhà tranh chật chội. Năm 1889, Đức cha Trị cho xây mới một nhà nguyện kiên cố.
Mặc dù lúc này trường không nằm trong khuôn viên Tòa Giám mục nữa, nhưng vẫn mang tên là Tiểu chủng viện Xã Đoài và được đặt dưới sự coi sóc của thừa sai Aguesse Minh. Trước đó, khi Tiểu chủng viện mới định cư tại Xã Đoài, thừa sai Robert Thuận đã được chọn làm giám đốc. Trường Thuận Minh – tên gọi hai thừa sai vì thế đã trở thành tên thường gọi của Tiểu chủng viện Xã Đoài sau này.
Cùng với thời gian, Tiểu chủng viện đã từng bước được chỉnh trang, hoàn thiện cả về cơ sở vật chất lẫn chương trình đào tạo.
Về cở sở vật chất, theo mô tả trong “Lịch sử tổng quát của các Địa phận thuộc Hội truyền giáo Pari” (L’histoire générale de la société des Missions Étrangères de Paris), từ bờ sông đi và theo hướng Đông là một vườn hoa trình tròn, ở giữa có tượng Đức Mẹ, có từ thời thừa sai Aguesse Minh làm giám đốc (kể rằng khi đặt bức tượng này, ngài đã cho khắc dưới chân tượng dòng chữ “Dominare nostri tu et filius tuus”. Hiện tại tượng Đức mẹ và hàng chữ vừa nói vẫn còn nguyên vẹn trong khuôn viên Đại chủng viện Vinh – Thanh), đối diện hai bên vườn hoa là các nhà gỗ dài, một làm nhà ăn, một làm nhà ngủ tràng 6. Nằm vuông góc với hai nhà đó theo hướng Bắc – Nam là hai nhà ngủ cho tràng 1, 2 và 5. Cùng hàng dọc với vườn hoa theo hướng Đông là một nhà tầng bằng gỗ, đây là nơi ở và làm việc của các thừa sai, vuông góc với nhà này là nhà nguyện, bên cạnh nhà nguyện có sân chơi, ao tắm. Khu vực hậu cần, bếp núc ở gần cổng vào cùng với nhà quản lí.
Các nhà ngủ đều có phòng cho các thầy giảng ở hai đầu. Đây là các nhà gỗ, lợp tranh, trát đất được bố trí hai hàng giường phản, có lối đi ở giữa, mỗi người được chia một ngăn, có cửa sổ, có màn che ở phía trước. Giường ngủ cũng là bàn học.
Chính vì được kết cấu bởi các vật liệu dễ cháy nên vào lúc 21 giờ, đêm mùa hè ngày 17 tháng 8 năm 1925, một ngọn đèn dầu trong nhà ngủ đã bén lửa, thiêu rụi toàn bộ 4 dãy nhà bao gồm phòng ngủ và phòng học. Vụ cháy được mô tả như sau: “Đêm 17.8, lửa bắt đầu cháy ở tràng 5, lan sang tràng 6 nhưng lại cháy cả tràng 1, nhà chơi gần tràng 1, tràng 6 cháy xong cuối hết” (cũng theo Lịch sử tổng quát của các Địa phận thuộc Hội truyền giáo Pari)
Sau vụ cháy, thừa sai Le Gourriérec Văn (là giám đốc đương thời) đã cho học sinh nghỉ nửa năm, chỉ giữ lại hai lớp trên và ngài đã giao cho thầy già San lo việc tái thiết lại cơ sở của trường, thu hẹp số nhà nhưng mở rộng diện tích, và thêm các tiện nghi. Theo đó, chỉ còn lại hai nhà dài, vừa là nhà ngủ, phòng học và cũng là chỗ ở. Nhà nguyện được trùng tu.
Sang thời cha Gioan Bùi Đề làm giám đốc, sân trước nhà nguyện được bố trí sửa sang lại, làm thêm các cầu nối giữa nhà ở, nhà nguyện với nhà ăn, nhà chơi. Và đó cũng là tình trạng cơ sở Tiểu chủng viện vào lúc bị bom san bằng.
Chương trình học tập ở Tiểu chủng viện kéo dài 6 năm, kể từ lớp Ba đến lớp Nhất, nhằm trang bị cho các linh mục tương lai có khả năng làm công tác mục vụ thông thường như học tiếng La Tinh để cử hành các Bí tích, đọc sách tín lý và luân lý, ngoài ra còn được học thêm chữ Hán để đọc các văn khế, văn tự. Tuy nhiên chưa theo chương trình giáo dục xã hội đương thời, kể cả tiếng Pháp vẫn chưa có trong chương trình của Tiểu chủng viện. Mãi cho đến thế kỷ hai mươi thì điều đó mới được thực hiện.
Từ niên khoá 1930-1931, Tiểu chủng viện Xã Đoài được mở thêm lớp 7. Lớp này bắt đầu được học tiếng Pháp và theo chương trình của nhà nước để cuối năm thi Tiểu học, sau đó học lớp 4, lớp 3, lớp 2, và lớp Nhất, tức là chương trình Cao đẳng tiểu học. Cải cách này cũng gắn với công lao của thừa sai giám đốc Le Gourriérec Văn.
Năm 1932, Trường Tập ở Xuân Phong, Phủ Diễn (tại xã Diễn Thành, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An ngày nay) được xây dựng với lớp đầu tiên là 40 học sinh, do thừa sai Radelet làm bề trên. Các học sinh sau khi đã vượt qua giai đoạn Trường Tập, sẽ được vào học Tiểu chủng viện.
Kể từ đây Tiểu chủng viện Vinh bắt đầu đào tạo một cách chính quy, từ lớp Sáu tới lớp Nhất theo chương trình trung học lúc bấy giờ. Điều đó đã góp phần thúc đẩy mạnh mẽ việc đào tạo linh mục ở Nghệ – Tĩnh – Bình. Từ năm 1936-1937, giáo phận đã có những học sinh xuất sắc, sau khi học xong Tiểu học, được gửi đi học ở Huế hay ở Hà Nội để lấy bằng tú tài, với mục đích về dạy Tiểu Chủng Viện. Một số chủng sinh được gửi đi học ở chủng viện Pê-năng, như cha Trần Hữu Đức, Cha Trần Đình Nhiên, Cha Trần Thanh Ngoạn, gửi đi du học ở Pháp như cha Cao Văn Luận, linh mục đầu tiên của Nghệ – Tĩnh – Bình tốt nghiệp đại học Sorbonne, với bằng cử nhân triết học. Đây là những cốt cán của giáo phận sau này, thay thế các thừa sai, như Đức Giám Mục G.B Trần Hữu Đức, Giám Mục Việt Nam đầu tiên của giáo phận Vinh, tiếp đến là Đức Cha Phaolô Trần Đình Nhiên, Giám Mục phó giáo phận Vinh. Về phần chủng viện, cha G.B Trần Thanh Ngoạn là người Việt Nam đầu tiên của giáo phận Vinh làm giám đốc Đại Chủng Viện Xã Đoài từ năm 1945-1954, thay thế thừa sai Dalaine.
Sau 70 năm đồng hành với Đại chủng viện trong công cuộc đào tạo linh mục cho giáo phận Vinh, ngày 21 tháng 7 năm 1968, Tiểu chủng viện Xã Đoài đã bị bom dội xuống, đánh sập gần như hoàn toàn và trường cũng ngưng hoạt động kể từ ngày đó. Địa điểm xây dựng Tiểu chủng viện chính là khu vực giáo họ Thánh Tự, thuộc giáo xứ Xã Đoài ngày nay.
THÀNH LẬP ĐẠI CHỦNG VIỆN
Từ những năm 1836 – 1837, các vị hữu trách bàn bạc xem nên đặt Chủng viện ở đâu, Trang Nứa, làng Ðoài hay Kẻ Gốm? Cha Borie (tức thánh GM Cao) từ Hướng Phương gửi thư góp ý, nên đặt ở Trang Nứa vì sẵn có cơ sở. Cha Masson Nghiêm (sau làm Giám mục phó, tấn phong ngày 3 tháng 12 năm 1848) đề nghị đặt Ðại chủng viện ở Kẻ Gốm. Như vậy để thấy rõ, lúc này Ðại chủng viện ở vùng Nghệ -Tĩnh – Bình chưa được định hình.
Năm 1846, năm thành lập Giáo phận Vinh, mặc dù các bản phúc trình đều nói có 2 chủng viện nhưng chưa cho biết rõ là Đại hay Tiểu chủng viện như đã nói ở trên.
Đại chủng viện Xã Đoài
Mọi việc chỉ thực sự rõ ràng vào năm 1877, Đức cha Hòa khởi công xây dựng Chủng viện sát cạnh Nhà Chung (cùng lúc với việc xây dựng nhà thờ Chính tòa), lấy tên là Đại chủng viện Xã Đoài. Thừa sai Abgall Đoài đã mô tả khung cảnh chung của Nhà chung và Đại chủng viện như sau: “Chủng viện là một nhà lối Âu châu, 2 tầng…”
Tháng 10 năm 1887, thừa sai Tessier Bình từ Vinh về làm giám đốc Ðại chủng viện. Trước đó, thừa sai Fricho đã là giám đốc từ năm 1884.
Đại chủng viện thánh Phanxicô Xaviê
Năm 1890, thừa sai Belleville Thọ, dạy Triết học, thừa sai Tessier giám đốc. Thừa sai Thọ sau này là Giám mục (lễ tấn phong ngày 4 tháng 6 năm 1911), đã mô tả Ðại chủng viện như sau:“Quanh các nhà là những hồ ao, các nhà thấp lè tè, tối tăm, bệnh sốt rét hoành hành, không khí u uất…” Đó là lí do vì sao Đức cha Trị, ngay sau khi nhậm chức (năm 1886), đã quyết định phải giải quyết ngay vấn đề Đại chủng viện, phải đưa chủng viện ra khỏi Nhà chung. Ngài quyết định dùng nhà hưu dưỡng linh mục làm Ðại chủng viện và đổi tên thành Đại chủng viện thánh Phanxicô Xaviê, vì lúc đó nhà hưu dưỡng chỉ có một linh mục già, Ðức Cha mời ngài về ở Tòa Giám mục. Như thế, chỗ ở của Ðại chủng viện ngày nay, trước kia chính là chỗ nhà hưu của các linh mục.
Trên thực tế thì quyết định đó vẫn chưa được thực hiện, vì trong thư do chính thừa sai Tessier Bình viết năm 1891 (khi đó ngài còn là giám đốc chủng viện), gởi cho giám đốc chủng viện Pari, có nói: “Ðức cha Gauthier Ngô Gia Hậu đã tự tay dọn lấy bài thần học… Thừa sai Beyssac Phê đang làm quản lý được giao dạy thần học. Các chủng sinh ở một căn nhà lá bên cạnh nhà quản lý sát bờ ao, trong khuôn viên nhà Chung. Bất tiện lắm, vì sở quản lý làm việc, người ra kẻ vào thường xuyên, trong khi chủng sinh thì cần yên tĩnh, cần đạo đức, cũng như học hành”
Năm 1894, thừa sai Tessier Bình về nghỉ ở Pháp (sau trở lại, qua đời ở Cầu Rầm), thừa sai Belleville Thọ về làm Giám đốc 8 năm trước khi lên Giám mục (từ ngày 8 tháng 9 năm 1895 đến ngày 10 tháng 8 năm 1903). Ngài mô tả quang cảnh Đại chủng viện như sau: “Chà! Đại chủng viện của tôi mới huy hoàng làm sao! Một nếp nhà ván, lợp tranh, hai phòng. Đó là nơi ở của ban giám đốc, và cũng là nơi họ lên lớp thay nhau. Hai bên nhà đó, như hai cánh là hai nhà tương tự, đó là nhà các chủng sinh, mỗi nhà chứa được 12 người, mỗi người một ô vừa đặt cái phản gỗ, vừa là bàn viết, 1 tủ sách, 1 cái ghế. Ngày làm việc đó, đêm nghỉ ở đó luôn. Phía sau nhà giám đốc, có một nhà nữa, 1 cho các chú, một là nhà cơm, 1 nhà kho thì đúng hơn. Cách nhà giám đốc 20m về phía Đông, một nhà tranh khác, thấp hơn. Đó là nhà nguyện; lễ hát, nến các thầy chạm tới xà…Đó là Đại chủng viện trong một giáo phận 11 vạn giáo dân”. Rất có thể lúc này Đại chủng viện đã được chuyển đến nhà hưu dưỡng đã nói ở trên.
Năm 1898, Đức cha Thọ cho nâng cấp toàn bộ chủng viện, dời nhà cũ vào nền mới, nới rộng khuôn viên, làm mới nhà cơm. Lúc này trong chủng viện có 24 chủng sinh.
Dưới thời thừa sai Dalaine làm Giám đốc, rất nhiều hạng mục quan trọng của Đại chủng viện đã được kiến thiết. Theo đó, nhà dành cho Ban giáo sư được xây dựng năm 1914; nhà nguyện, nhà Micae, nhà Maria, nhà Phanxicô và nhà sinh hoạt được xây dựng vào năm 1916. Cơ sở vật chất của Đại chủng viện căn bản đã hoàn thiện và mô hình kiến trúc đó tiếp tục được duy trì cho đến ngày nay.
Cùng với sự ổn định về cơ sở vật chất thì công tác đào tạo cũng có nhiều tiến triển. Cho đến trước biến cố 1954, có thể nói Đại chủng viện đã có một thời kỳ cực thịnh. Các chủng sinh chẳng những được rèn luyện chu đáo về mặt tu đức, mà trình độ tri thức cũng được đầu tư thích đáng. Bằng chứng là đã có những thế hệ chủng sinh sau ra trường, đã mục vụ rất hiệu quả trên nhiều cương vị quan trọng. Trong đó đặc biệt phải kể đến Đức cha Gioan Baotixita Trần Hữu Đức, Giám mục giáo phận Vinh từ năm 1951 đến 1971; Đức cha Phêrô Nguyễn Năng, Giám mục giáo phận Vinh từ năm 1971 đến 1978; Đức cha Phêrô Gioan Trần Xuân Hạp, Giám mục giáo phận Vinh từ năm 1979 đến năm 2000. Đức cha Phaolô Maria Cao Đình Thuyên, Giám mục giáo phận Vinh từ năm 2000 đến năm 2010. Cha Phêrô Lê Duy Lượng, là giáo sư, đồng thời là vị bề trên đã có những đóng góp đặc biệt quan trọng trong việc hoàn thiện chương trình đào tạo của Đại chủng viện Vinh – Thanh.
Thực ra, thời kỳ ổn định của Đại chủng viện chỉ kéo dài đến năm 1945. Từ 1945 – 1948, Chủng viện Xã Đoài bị các thừa sai đóng cửa, vì các chủng sinh tham gia biểu tình đòi trao quyền tự trị cho hàng Giáo Phẩm Việt Nam. Năm 1948, Tiểu chủng viện được mở cửa trở lại sau 28 tháng trời các chủng sinh phải mòn mỏi chờ đợi. Còn Đại chủng viện thì đến năm 1951, sau khi linh mục G.B Trần Hữu Đức được tấn phong Giám mục, mới được mở cửa hoạt động trở lại, đón 17 chủng sinh trên tổng số 48 chủng sinh của niên khoá 1945 – 1946. Thời gian này các chủng sinh phải sống trong điều kiện hết sức khó khăn, thiếu thốn mọi thứ. Nhiều lúc, giáo phận không còn đủ lương thực để chu cấp cho Tiểu chủng viện và Đại chủng viện. Các chủng sinh phải tự túc với đóng góp của gia đình hoặc phải giảm bớt giờ học để tăng gia sản xuất.
Sau biến cố 1954, tình hình đạo Công giáo miền Bắc nói chung, Đại chủng viện nói riêng, gặp rất nhiều khó khăn. Ngoài sự khủng hoảng về mặt nhân sự, do một số chủng sinh di cư vào Nam, những người ở lại cũng luôn trong tâm trạng hoang mang, không biết tương lai của mình sẽ thế nào. Tình hình ngày càng khó khăn trong những năm tiếp theo. Nhiều chủng sinh lần lượt bị đưa vào trại giam vì những lý do không rõ ràng, số còn lại bị quản thúc tại gia. Cuối cùng, Đại chủng viện phải tạm đóng cửa vào năm 1981.
ĐẠI CHỦNG VIỆN VINH – THANH NGÀY MỞ CỬA TRỞ LẠI
Đại chủng viện đóng cửa không chỉ là một tin buồn, mà đó thực sự là một tổn thất vô cùng to lớn cho đời sống đức tin của giáo phận, vì nó đồng nghĩa với sự thiếu vắng trầm trọng các vị chủ chăn, nhất là trong hoàn cảnh người Công giáo nói chung, sinh hoạt Công giáo nói riêng của giáo phận Vinh đang phải trải qua rất nhiều những “biến động sinh – tử”. Tình cảnh đó không chỉ diễn ra trong một hai ngày, mà kéo dài trong gần một thập kỷ (từ 1981 đến 1988), đã khiến không ít người ngã lòng, nản chí vì chờ đợi.
Trong điều kiện như vậy, hơn ai hết, các đấng bề trên giáo phận hiểu rất rõ thao thức của con cái mình, vì chính các ngài mới là những người trăn trở nhiều nhất.
Ngày 22 tháng 11 năm 1988, sau rất nhiều cố gắng của bề trên hai giáo phận, Đại chủng viện đã được mở cửa trở lại với tên gọi mới – Đại chủng viện Vinh – Thanh. Theo đó, Đức cha Phêrô Gioan Trần Xuân Hạp, Giám mục giáo phận Vinh làm giám đốc, Đức cha Phêrô Phạm Tần, Giám mục giáo phận Thanh hóa và cha Giuse Vương Đình Ái làm Phó giám đốc, cha Phêrô Nguyễn Văn Huyền làm Bề trên trực tiếp và cha Phêrô Lê Duy Lượng là giáo sư thường trực. Trong ngày khai giảng lịch sử này, Đại chủng viện đã đón nhận ba mươi chủng sinh (18 Vinh, 12 Thanh hóa).
Kể từ đó đến nay (1988 – 2010), Đại chủng viện Vinh Thanh đã chiêu sinh được 11 khóa với 360 chủng sinh, trong đó khóa XI có số chủng sinh nhập trường đông nhất từ trước đến nay (41 Vinh và 20 Thanh hóa).
Tính cho đến thời điểm này (tháng 9 năm 2017), có 356 linh mục là các thế hệ chủng sinh từ mái trường chủng viện Vinh – Thanh đã ra đi hoạt động trên cánh đồng truyền giáo của 4 tỉnh Thanh – Nghệ – Tĩnh – Bình và 216 chủng sinh các khóa XII, XII, XV đang học tập tại trường và XIV đang đi thực tập mục vụ.
So với đòi hỏi của nhu cầu mục vụ thực tế, đặc biệt tại giáo phận Vinh, những con số trên chưa phải là nhiều, nhưng trong hoàn cảnh chung của hai giáo phận còn rất nhiều khó khăn, thành quả đó của Đại chủng viện đã là một nỗ lực rất lớn của bao thế hệ cha anh đi trước. Ở đó, ghi nhận sự đóng góp của mọi thành phần, bao gồm: sự quan tâm Tòa Thánh, của Bề trên hai giáo phận; thái độ hy sinh, tận tụy của các cha trong Ban đào tạo; sự nỗ lực của các chủng sinh và cuối cùng là những ủng hộ cả về tinh thần lẫn vật chất của bà con giáo dân trong và ngoài nước.