Giới thiệu về Chùa Chân Tiên
Chùa Chân Tiên hay Chân Tiên Tự là ngôi chùa khá đẹp nằm trên núi Tiên An thuộc xã Thịnh Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Chùa Chân Tiên được xây dựng vào thời nhà Trần (thế kỷ 13), cuối dãy Ngàn Hống (Hồng Lĩnh) ở sát biển Đông.
Chùa gồm hai ngôi: Ngôi bên trái thờ Phật và ngôi bên phải thờ Thánh Mẫu, kiến trúc theo kiểu tứ trụ gồm ba gian, lợp ngói âm dương, có tường bao ba mặt. Mặt tiền có ba chữ Hán “Chân Tiên tự”, 2 bên chùa có tượng quan văn, quan võ.
Trong chùa Chân Tiên có 14 tượng Phật bằng gỗ mít, một bàn thờ, một lư hương, một hương án, trống mõ...Chùa Chân Tiên còn là một di tích lịch sử, cách mạng. Từ 1655 đến 1666, Ninh quận công Trịnh Toàn đem quân vào đánh chúa Nguyễn đã lập căn cứ tại vùng đất này và lấy chùa Chân Tiên bố trí đội quân hỏa lực. Từ năm 1885-1896, Phan Đình Phùng từng chọn rừng thông ở chùa Chân Tiên làm nơi luyện tập binh pháp. Từ ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, chùa Chân Tiên trở thành nơi họp của chi bộ Đảng Yên Điền.
Đứng trên chùa nhìn xuống là những rừng thông xanh trùng điệp. Đi về bốn phía xung quanh chùa Chân Tiên, du khách sẽ được thưởng ngoạn nhiều cảnh đẹp và chứng tích gắn với những truyền thuyết.
Chùa Chân Tiên có những “dấu chân” hết sức kỳ lạ. Theo truyền thuyết đó là “dấu chân” và vó ngựa của tiên nữ chốn tiên giới để lại trong một lần dừng chân ngoạn cảnh nơi đây. Ngoài ra còn có vết chân của ông Bành Tổ. Cạnh đó có một chú rùa đá dài gần 1,5m, chiều ngang gần 90cm, được gọi là “Ngài” Thạch Kim Quy có từ thời nhà Lý.
Ngày 3/3 Âm lịch hàng năm bà con nhân dân, các vị tăng ni phật tử, du khách và đạo hữu gần xa lại về lễ chùa vãng cảnh, cầu nguyện và trở thành ngày hội truyền thống của nhân dân địa phương. Năm 1992, Chùa Chân Tiên đã được Bộ Văn hóa - Thể thao công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia.
Ảnh: Internet
Tư liệu: Tổng hợp