Giới thiệu về Chợ phiên Tả Sìn Thàng
Đến với Điện Biên, chắc hẳn bạn cũng không thể nào bỏ lỡ được những phiên chợ trên vùng cao. Nằm ngay thung lũng trung tâm của 5 xã, chợ phiên Tả Sìn Thàng lại nổi bật lên với một không khí náo nhiệt giữa một núi rừng hoang sơ, chỉ cây lá và gió.
Không chỉ là nơi gặp gỡ giao lưu, trao đổi hàng hóa của các dân tộc trong vùng, chợ phiên Tả Sìn Thàng còn là điểm hẹn lý tưởng của các chàng trai, cô gái người dân tộc giao duyên.
Cứ 6 ngày phiên chợ mở một lần. Từ khi trời còn tang tảng sáng, từ khắp các nẻo đường, tiếng sáo, tiếng khèn, tiếng chân ngựa, tiếng đàn môi, tiếng cười nói đã xôn xao, náo nức trên khắp các lối mòn. Nhà nào có điều kiện thì đi xe máy, còn nhà không có điều kiện thì đi bộ đến chợ, bất kể xa hay gần. Những chàng trai, cô gái dân tộc Mông trong những bộ váy áo sắc sỡ bên những gùi hàng, kẻ địu con che ô, người dắt ngựa, hàng hóa đa dạng và phong phú. Tất cả đều đổ dồn về chợ phiên như một điểm hẹn.
Một điều rất dễ để bạn nhận ra ở chợ phiên Tả Sìn Thàng, người bán người mua tấp nập, nhưng vui vẻ, không hề có sự bon chen hay tranh giành giá cả như hoạt động ở các chợ khác. Tại các phiên chợ luôn hiện lên sự hồn nhiên, mộc mạc, ít mánh khóe toan tính trong thói quen mua bán.
Nét độc đáo của phiên chợ là sự kết hợp của nhiều loại trang phục rực rỡ của bà con dân tộc, các sản phẩm bày bán phần lớn là các mặt hàng nông sản thực phẩm của địa phương như hoa quả, rau măng, khoai, sắn, gạo, nấm hương, mộc nhĩ, măng rừng, cá suối, lợn, gà… Ngoài ra, còn có các mặt hàng thổ cẩm truyền thống, các loại chỉ màu, phẩm nhuộm và các sản phẩm được làm từ thứ vải dệt rất bền và đẹp. Mùi thắng cố thơm chảo lửa, nếm rượu Mông Pê.
Thường thì bạn sẽ thấy chợ phiên Tả Sìn Thàng nhộn nhịp nhất vào khoảng 12 giờ trưa. Chỗ này người Kinh mua các sản vật địa phương, chỗ kia người Dao, người Mông túm tụm bên chai, lọ, kim, chỉ, quạt điện, đồ trang điểm, làm đẹp...Đôi lúc lại thấy dăm bảy hàng quán những người dân lâng lâng men rượu, tỉnh mà vẫn say, say mà vẫn tỉnh. Những tiếng kèn, tiếng tiêu của những chàng trai để quyến rũ những cô gái đối diện.
Nơi vùng cao núi đá nhiều hơn nương ngô ruộng lúa, quang năm mây mờ bao phủ nên hương vị của các mặt hàng nông sản do người dân làm ra rất đậm dấu ấn của núi rừng. Từ những cây rau tươi tốt gieo trong rừng toàn núi đá, chè cây cao xoa tay xoắn tít, măng khô, mộc nhĩ, nấm hương đều thu hái từ rừng, từng tảng thịt to, dày rất ngon và chắc; mật ong vàng óng, đặc sánh đựng trong chai dốc ngược không đổ; rượu Mông Pê lại khéo léo làm ấm lòng của những người khách lãng du.
Ảnh: Internet
Tài liệu: tổng hợp